A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn năng lượng điện

Tại Tọa đàm “Thực hành tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 15/5 , Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương Trịnh Quốc Vũ đã đưa ra lời kêu gọi về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn năng lượng điện.

Thực hiện nghiêm và mạnh mẽ các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng theo Chỉ thị số 20

Tại cuộc tọa đàm, Phó Vụ trưởng Trịnh Quốc Vũ đã chia sẻ về những kết quả nổi bật, thuận lợi, khó khăn hiện nay trong triển khai thực thi, thực hiện các chỉ đạo, giải pháp về tiết kiệm điện năng của Chính phủ và Bộ Công Thương. Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhất là tiết kiệm điện, đã được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện thành công tác thường xuyên trong giai đoạn vừa qua. 

Cụ thể, trong năm 2023 Bộ Công Thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Ngoài ra, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các địa phương trên cả nước thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

TỔNG THUẬT Tọa đàm: Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống- Ảnh 1.

Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương Trịnh Quốc Vũ 

Đối với năm 2024, nhận định đây là năm chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tình hình El Nino còn diễn ra phức tạp cũng như nhu cầu về sử dụng điện được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do đà phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất, nhất là các ngành hàng chế biến xuất khẩu trong năm nay. Từ cuối năm 2023, lãnh đạo Bộ Công Thương đã ban hành những văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản cũng như 63 UBND tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện nghiêm và mạnh mẽ các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đầu năm 2024, ngày 1/3, lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 20/2023 và Kế hoạch thực hiện năm 2024.

Song song với đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên ngành về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong năm 2024 và giao cho cơ quan đầu mối là Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững triển khai thực hiện từ rất sớm, ngay trong quý I và cố gắng sẽ hoàn thành vào quý II, đầu quý III năm nay để bảo đảm việc hướng dẫn, giám sát cũng như xử lý các vấn đề tồn đọng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, kịp thời tổ chức thực hiện cũng như hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trọng điểm, cơ sở sử dụng năng lượng, sử dụng điện trọng điểm, thực hiện có hiệu quả các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.

Đối với công tác tuyên truyền ông Vũ nhấn mạnh, công tác tuyên truyền về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng là một trong những công việc mà Bộ Công Thương thực hiện thường xuyên, liên tục. Cụ thể, để thực hiện được Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng bộ nhận diện của chương trình tiết kiệm điện và khẩu hiệu của chương trình là "Tiết kiệm điện thành thói quen", đây là khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thực hiện.

“Kèm theo đó, chúng tôi cũng ban hành các sổ tay hướng dẫn và các hướng dẫn trên môi trường internet ở trang tietkiemnangluong.com.vn, trang thông tin điện tử chính thức của chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cũng như gửi bản mẫu thiết kế cho tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương để có thể kịp thời phổ biến, hướng dẫn đến các doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội trên địa bàn toàn quốc” ông Vũ cho hay.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên nhận định, Chỉ thị 20 nói trên không chỉ phát động phong trào thi đua mà còn như một chương trình hành động quốc gia. Đó là điều khác biệt bởi nếu là phong trào thì nhiều khi chỉ mang tính cổ động, khuyến khích. 

Chỉ thị có 2 cách tiếp cận, vừa là một chương trình hành động quyết liệt nhưng cũng có sự khuyến khích, phát động phong trào. Chỉ thị đã đặt rõ các mục tiêu như, như trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025… Đây là cách tiếp cận mục tiêu rất rõ ràng buộc ta phải có cam kết thực sự, cam kết chính trị, tức là phải hành động.

Nỗ lực bảo đảm điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước 

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông tin về tình hình sản xuất, bảo đảm cung ứng điện và dự báo tình hình tăng trưởng tiêu thụ điện trong các tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè năm 2024

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), bốn tháng đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và biến động khắc nghiệt của thời tiết, nắng nóng kéo dài, EVN đã bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Theo số liệu thống kế, trong tháng 4, điện thương phẩm toàn quốc đạt 26,8 tỷ kWh và sản lượng này tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn lại cả 4 tháng đầu năm, điện thương phẩm đạt 96,2 tỷ kWh điện, tăng 12,4% so với 2023. Nhìn lại cả năm 2023, điện thương phẩm toàn quốc tăng 4,26%. Như vậy, riêng 4 tháng đầu năm 2024, điện thương phẩm tăng xấp xỉ khoảng 3 lần so với 2023 và đây cũng là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.

Nhìn lại từng thành phần điện đã sử dụng, trong 14,12%, điện cho công nghiệp tăng 10,91%, điện cho thương mại-dịch vụ tăng 18,95% , điện cho sinh hoạt tăng 18,54%, cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của cả nước trong thời gian vừa qua.

Quan sát kỹ hơn vào từng khu vực, riêng tại Hà Nội, điện cho thương mại-dịch vụ tăng trưởng 33,26%, điện cho sinh hoạt khu vực Hà Nội tăng 29,27%, tức là tăng xấp xỉ hơn 30% với 2 thành phần thương mại và dịch vụ.

Còn tính chung tại miền Bắc, tiếp tục duy trì tăng trưởng điện thương phẩm cho sản xuất công nghiệp (tăng trưởng 13,02% - là mức rất cao trong 4 tháng vừa qua). Trong tháng 4/2024, hệ thống điện đã lập những kỷ lục mới, cao hơn rất nhiều so với công suất và sản lượng trong quá khứ. Vào 13h30 ngày 27/4/2024, công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia đã đạt 47.670 MW, tăng trưởng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn công suất cực đại năm 2023 là 1.929 MW, con số kỷ lục trong toàn bộ quá trình 70 năm của ngành điện lực Việt Nam. Về sản lượng, ngày 26/4/2024, sản lượng điện toàn quốc đạt 994 triệu kWh, tăng 14,3% so với 2023 và tăng 7,6% so với ngày cao nhất của 2023. Tính theo giá trị tuyệt đối thì số lượng này tăng 70 triệu kWh trong 1 ngày của ngày 26/4.

Tuy nhiên, những kỷ lục này đều xảy ra vào những ngày nghỉ lễ. Đó là thời kỳ bắt đầu mùa nắng nóng ở miền Bắc và cũng là mùa nắng nóng ở miền Trung. EVN dự báo trong năm 2024, vào những tháng sắp tới, hệ thống điện có thể có những kỷ lục mới về công suất, sản lượng. Đây là những thách thức rất lớn mà EVN và các đơn vị thành viên cũng như các đơn vị khác trong hệ thống điện phải cố gắng nỗ lực để bảo đảm điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong những tháng cao điểm nắng nóng sắp tới.

Về tiết kiệm điện, nước ta là quốc gia có tỉ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác. Ví dụ, so sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD thì con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi. Như vậy, để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian tới.

Tăng sản lượng điện: một trong những cách tiếp cận quan trọng bậc nhất để tăng hiệu quả sử dụng điện

TỔNG THUẬT Tọa đàm: Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống- Ảnh 1.

TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế: Ý thức tiết kiệm điện cần như nét văn hóa

Theo ông Thiên, điều đầu tiên để sử dụng điện hiệu quả là sản lượng phải đủ, nếu thiếu điện thì không thể nào hiệu quả được. Không phải vì thiếu mà chúng ta mới cần tiết kiệm, mà điều quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực hơn. Vừa rồi, chúng ta tăng sản lượng điện, đây là một trong những cách tiếp cận quan trọng bậc nhất để tăng hiệu quả sử dụng điện.

Trong lĩnh vực điện, chúng ta cảm nhận được cách triển khai của Chính phủ là toàn tuyến, toàn diện, toàn cấp, toàn ngành, từ Trung ương đến các địa phương. Chính phủ ra Chỉ thị rồi giao việc cho các bộ, đặc biệt là Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Mọi nhiệm vụ, giải pháp cũng rất rõ. Địa phương có những cách làm khuyến khích, đưa phong trào thi đua xuống đến doanh nghiệp, người dân…

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong thực hành tiết kiệm điện, nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng điện lãng phí, thiếu hiệu quả còn diễn ra. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân nhận thức của một số bộ phận người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm còn hạn chế; phụ tải điện, tiêu thụ điện một số lĩnh vực vẫn tăng cao; công tác kiểm tra và giám sát việc thực thi các quy định của Nhà nước về sử dụng tiết kiệm điện còn chưa thường xuyên, các chế tài và mức xử phạt chưa đủ mạnh; giá điện vẫn còn thấp, chưa tiệm cận với giá thị trường dẫn tới không khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm…

Ở góc độ chuyên gia, ông Hà Đăng Sơn, Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh chia sẻ, câu chuyện đầu tiên trong tiết kiệm điện liên quan đến nhận thức, bởi thói quen của chúng ta được xây dựng qua quá trình lâu dài chứ không phải thông qua những phong trào mang tính chất ngắn hạn. 

TỔNG THUẬT Tọa đàm: Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống- Ảnh 1.

Ông Hà Đăng Sơn, Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh

Đấy cũng là lý do tại sao Chính phủ, Bộ Công Thương liên tục đưa ra những yêu cầu, chỉ thị, hướng dẫn trong câu chuyện tạo ra thói quen, nhận thức mới của người tiêu dùng từ các hộ gia đình tới các doanh nghiệp. Bởi vì mỗi chúng ta không có thói quen tốt, không biến thành việc hằng ngày thì chúng ta sẽ cảm thấy cực kỳ khó khăn. Đối với các quốc gia phát triển, việc đào tạo, giáo dục tiết kiệm điện, tài nguyên thiên nhiên được thực hiện một cách hiệu quả từ nhỏ, trong hệ thống giáo dục, trên các phương tiện giao thông, các nơi công cộng… để nhắc nhở. Gần đây chúng ta thấy rất rõ những động thái của quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, các cam kết liên quan đến Net Zero. Ít nhiều điều đó cũng phản ánh đây là câu chuyện của toàn thế giới chứ không phải của riêng Việt Nam. Toàn thế giới phải chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Trước mắt tiết kiệm, sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn trước rồi, sau đó dùng các tài nguyên sẵn có như điện mặt trời, các dạng năng lượng tự dùng trước khi sử dụng từ nguồn, từ lưới.

Về việc này, ông Võ Quang Lâm chia sẻ thêm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn thực hiện vai trò của mình là đơn vị cung cấp điện chính cho nền kinh tế và thực hiện chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện chương trình này. “Một trong những giải pháp mà chúng tôi nói đến đầu tiên, đó là vấn đề tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện cho người dân, doanh nghiệp. Rút kinh nghiệm những năm trước đây, chúng tôi tập trung nhiều vào khối trường học. Chúng tôi nhận thức được rằng nếu làm tốt việc tuyên truyền cho các em học sinh thì sự lan tỏa sẽ nhiều hơn, sâu rộng hơn và đặc biệt thông qua các em học sinh cấp 2, cấp 3 có ý thức tốt sẽ xây dựng được một lớp công dân không những có ý thức tiết kiệm điện mà còn có ý thức với môi trường, xã hội, sống có trách nhiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả”, ông Lâm cho hay.

Ứng dụng nhiều công nghệ để tiết kiệm điện

Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng tuyên truyền, vận động chỉ là một trong những giải pháp và đó là chưa đủ. Do đó, Tập đoàn đã ứng dụng nhiều công nghệ để việc tiết kiệm điện được thực hiện một cách sinh động, hiệu quả hơn và đặc biệt là phải tạo sự tương tác giữa các đơn vị cung cấp điện, người sử dụng điện. Trong năm vừa qua, EVN đã tập trung nhiều vào công tác hiện đại hóa hệ thống đo đếm, hiện đại hóa công tác vận hành hệ thống điện… “Chúng tôi muốn nói nhiều đến việc ứng dụng công nghệ trong việc điều chỉnh hành vi sử dụng điện thông qua tăng tương tác giữa khách hàng sử dụng điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đến nay, chúng ta đã có khoảng 92% công tơ đo đếm điện trên đất nước đã thực hiện điện tử hóa. Cùng với việc áp dụng chuyển đổi số, khách hàng sử dụng điện có thể tương tác, xem sản lượng điện của mình.

Đối với khách hàng, EVN đang đặt nhiều chế độ khác nhau, có thể nhìn thấy sản lượng điện của mình trong ngày hôm trước, xem được sản lượng điện hết bao nhiêu trong một ngày và so sánh với thời gian liền kề, hay so với năm liền kề, so với trong khu vực để mỗi người dân biết đang sử dụng điện như thế nào? Đây là cách EVN từng bước ứng dụng công nghệ và thực hiện qua hệ thống chăm sóc khách hàng.

Đối với nhóm khách hàng sản xuất công nghiệp, đây là điều chúng ta cần đặc biệt quan tâm bởi khách hàng sản xuất công nghiệp hiện nay đang chiếm tỉ lệ cao trong việc sử dụng điện. Nhìn lại năm 2023, trong tổng số 253 tỷ kWh điện thương phẩm toàn EVN, riêng nhóm khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm là 107 tỷ kWh. Trong số 30,86 triệu hợp đồng mua bán điện ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, khối doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, tức là sử dụng điện trên 1 triệu KWh/năm, có 19.690 khách hàng. “Như vậy nếu chúng ta làm tốt việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong khối doanh nghiệp thì sẽ có cơ hội tiết kiệm điện rất nhiều.” ông Lâm chia sẻ và nhấn mạnh thêm: Nhìn lại toàn bộ mục tiêu của Chỉ thị 20, Tập đoàn Điện lực đang đặt ra mục tiêu năm nay tiết kiệm được 5,5 tỷ kWh và phấn đấu tiết kiệm 6 tỷ kWh đến hết năm 2024. Đây cũng là chỉ tiêu pháp lệnh mà Tập đoàn Điện lực đề nghị các nhóm khách hàng sử dụng điện thực hiện tốt, cùng chung tay chung sức để hoàn thành mục tiêu này.

Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ lượng điện năng lớn, ông Trần Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng thiết bị, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam chia sẻ, công ty chúng đã triển khai các giải pháp thực hành tiết kiệm điện nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn sản xuất, như là tuyên truyền vận động cán bộ công nhân viên trong công ty tắt các thiết bị điện trong công ty khi không sử dụng cũng như ở gia đình; duy tu, cải tạo các thiết bị nâng cao hiệu quả sử dụng điện, khuyến khích và đưa ra các ý tưởng tiết kiệm điện tại từng bộ phận sản xuất trong công ty.

TỔNG THUẬT Tọa đàm: Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống- Ảnh 1.

 

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng thiết bị, Công ty TNHH Panasonic  Việt Nam (trái)

"Thêm nữa, chúng tôi cũng đang tiến hành thay thế toàn bộ đèn chiếu sáng trong công ty thành các đèn LED tiết kiệm điện. Chúng tôi cũng đã tiến hành cải tạo hệ thống điều hòa trong phân xưởng, lắp đặt bộ tắt điện tự động để bật tắt trong các khung giờ có nhân viên sử dụng và không sử dụng.Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rà soát tối ưu hóa việc sử dụng khí nén cho sản xuất. Chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu tiến tới Net Zero vào năm 2030", ông Tuấn cho biết thêm.

Bảo đảm việc tuân thủ nghiêm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm

Thủ tướng Chính phủ luôn nhất quán quan điểm và thường xuyên, chỉ đạo, nêu rõ yêu cầu "Bảo đảm không để thiếu điệu trong mọi tình huống". Theo dự báo mùa hè năm nay tình hình nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục diễn ra, ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, từ cuối năm 2023, đầu 2024, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo và triển khai rất sát sao các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và phối hợp rất chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí triển khai mạnh mẽ các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng. Chúng tôi đánh giá năm nay các giải pháp được triển khai sớm và tương đối đồng bộ giữa Trung ương và địa phương.

Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, thương mại, đã xây dựng và ban hành các cơ chế, quy định tương đối cụ thể, kèm theo các chế tài để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các lĩnh vực mà Bộ Công Thương quản lý. Cụ thể, đối với các ngành công nghiệp trọng điểm, tiêu thụ nhiều năng lượng, Bộ Công Thương đã ban hành 7 thông tư, quy định về định mức tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm, cụ thể cho các ngành như bia, nước giải khát, thép, hóa chất, chế biến thủy hải sản, sản xuất đường mía, nhựa và chất dẻo, sản xuất giấy… Chế tài đã có, các doanh nghiệp vi phạm định mức tiêu thụ năng lượng, nghĩa là suất tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một sản phẩm cao hơn mức quy định của thông tư, thì đã có chế tài xử phạt.

Về phía EVN, ông Lâm cho biết Tập đoàn đã xây dựng và trình Bộ Công Thương kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện, trong đó có 2 kịch bản, một kịch bản cơ sở là chúng ta tăng trưởng 6% và một kịch bản cao, tăng trưởng khoảng hơn 9%. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm 2024, bám sát sự tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như diễn biến của tình hình thời tiết, qua đó nhu cầu sử dụng điện cũng tăng cao thì EVN đã phải thực hiện một loạt giải pháp đồng bộ để có thể bảo đảm được đủ điện trong thời gian vừa qua.

Ngoài những chỉ tiêu Thủ tướng đưa ra, EVN cũng yêu cầu các đơn vị thành viên trong toàn Tập đoàn phải thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu này. Đối với phần tiết kiệm điện trong các đơn vị trong ngành, EVN đặt mục tiêu, thay cho việc tiết kiệm 5% như Thủ tướng giao, EVN yêu cầu tiết kiệm 10% và đặc biệt trong 4 tháng cao điểm mùa khô, từ tháng 4 đến tháng 7, các đơn vị thành viên của Tập đoàn phải thực hiện tiết kiệm 15% sản lượng điện của mình so với năm trước. Chỉ tiêu này EVN đo đếm và đưa thành chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản lý của người đứng đầu các đơn vị. Đây cũng là một yêu cầu rất cao để Tập đoàn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Các biện pháp khác, EVN cũng thực hiện theo đúng Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng, Chỉ thị số 05/CT-BCT của Bộ Công Thương và chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.


Tác giả: Hà Vi

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website